Phát huy các động lực tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng chưa chắc chắn. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6,42%. Đây được cho là mức tăng khá với những điểm sáng nổi bật, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.

Nhìn lại vòng 5 năm trở lại đây, mức tăng GDP 6 tháng đạt 6,42% của năm nay là mức tăng cao thứ 2, chỉ sau mức tăng của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Khu vực công nghiệp và xây dựng và dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế. Trong đó giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng qua đạt 7,54% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao thứ 2 chỉ sau cùng kỳ năm 2022. Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động cho thấy nhịp phục hồi tích cực của nền kinh tế, với giá trị xuất siêu ước tính đạt 11,63 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6,42%. Ảnh minh họa.

Tổng cục Thống kê đánh giá, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong quý II/2024 và 6 tháng tích cực, đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tốt dần lên. Các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó. Đặc biệt trong nước, những giải pháp làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống đã được tập trung đẩy mạnh và có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Một doanh nghiệp dệt may cho biết, đơn hàng dồi dào từ các đối tác Mỹ, EU, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất năm sau. Tất cả là nhờ doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi từ gia công sang may trọn gói, thích ứng với các tiêu chuẩn mới.

Ông Lưu Tiến Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam đã hướng đến sản xuất bền vững sản xuất xanh, hướng đến nhóm hàng chất lượng cao, đáp ứng giao hàng nhanh và sản xuất linh hoạt của các đối tác đặt ra".

"Công tác kết nối thị trường có sự chuyển biến rất tích cực. Bộ Công Thương Việt Nam đã chủ trì mời các đối tác, nhãn hàng, kênh phân phối lớn về Việt Nam để đối thoại, tiếp xúc, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi phân phối", ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin.

Đà sản xuất, xuất nhập khẩu đang bắt nhịp rất tốt. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh, kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu then chốt tăng theo, nhất là khối doanh nghiệp trong nước. Nhờ vậy, giúp cho đà xuất khẩu tăng liên tục qua các tháng. Xuất siêu 6 tháng là trên 11,6 tỷ USD.

Với đà sản xuất kinh doanh tăng tốc như vậy, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, lãi suất đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho sản xuất và tổng cầu của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 5 đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Theo các chuyên gia, tỷ lệ này còn gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho hay: "Kỳ vọng tiêu dùng trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn nhờ những chính sách kích cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như giảm thuế VAT, hạ lãi suất và đẩy mạnh đầu tư công".

Ông Jose Vinals - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered đánh giá: "Tăng trưởng năm nay của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu so với mức tăng trưởng kinh tế các quốc gia mới nổi nói chung và khu vực châu Á. Chúng tôi đánh giá tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam tốt nhờ các chính sách tài khoá phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư nước ngoài".

Cơ hội và thách thức tăng trưởng

Điều có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay đó là Chính phủ đã tạo lực đẩy và phát huy tối đa tác động của vốn đầu tư công. Đây tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại. Bởi để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% trong năm nay, thì áp lực trong nửa cuối năm là khá lớn để đưa mức tăng trưởng 6,42% đạt chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Động lực ở đây vẫn phải là đầu tư công.

Với chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, vấn đề giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các dự án quan trọng, trong điểm đã có chuyển biến. Đây là nguồn lực dẫn dắt các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển.

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đoạn cuối cùng thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam nối xuyên suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị tới mũi Cà Mau vừa được khởi công trong quý II, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Hiện có hơn 1.000km đường bộ cao tốc vẫn đang tiếp tục được triển khai trên cả nước. Hàng trăm km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác. Năm nay cả nước dành 422.000 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực giao thông. Khâu chuẩn bị để giải ngân đã được thực hiện rốt ráo trong nửa đầu năm, hứa hẹn có những bước chuyển đáng kể trong 2 quý tiếp tới đây.

Trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.

Một động lực đáng kể khác là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua và dự báo sẽ vẫn giữ đà tích cực trong nửa cuối năm nay.

Ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF đánh giá: "Chúng tôi nhận thấy rất rõ là khu vực FDI tại Việt Nam thể hiện sức chống chịu tốt với diễn biến kinh tế toàn cầu. Dòng vốn hướng vào Việt Nam tăng mạnh, so với sự bất ổn của tâm lý đầu tư trên toàn cầu điều này cũng cho thấy tác động gián tiếp tới xuất khẩu, sản xuất công nghiệp phục hồi".

Dù vậy theo Tổng cục Thống kê, những thách thức với nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm nay cần lưu ý như sự phục hồi không chắc chắn của thị trường thế giới, áp lực tỷ giá lên chi phí nhập khẩu và vấn đề kiểm soát giá cả trong nước, đảm bảo lạm phát trong ngưỡng mục tiêu khi kết thúc 6 tháng, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ.

Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng nữa là thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đảm bảo nguồn cung trong nửa cuối năm. Bởi trong 6 tháng qua, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng nhưng mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cho thấy sức mua của người dân vẫn khá dè dặt.

Để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng năm nay, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Nghị quyết số 93 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô với phương châm: Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; Không điều hành giật cục. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, "tập trung, có trọng tâm, trọng điểm", "làm việc nào dứt điểm việc đấy". Cùng với đó là sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm đạt những kết quả tốt nhất trong cả năm nay.

Theo VTV